Hỏi đáp
Để tiết kiệm và đầu tư, tôi cũng đã từng tham gia nhiều nơi, nhiều thứ như gửi ngân hàng, chứng khoán, vàng và thậm chí mua nhà đất. Vì sao tôi nên quan tâm Quỹ Mở của VinaWealth?
- Trước hết, xin chúc mừng vì Bạn đã có ý thức đến việc tiết kiệm và đầu tư để tiền và tài sản của mình không ngừng sinh sôi, giúp Bạn đạt được mục tiêu và có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai như mong muốn;
- Tuy nhiên, Bạn cũng nên cân nhắc phân chia tiền đầu tư của mình vào nhiều loại hình đầu tư (tài sản) khác nhau để phân tán rủi ro và đạt lợi nhuận tốt nhất – gọi là đa dạng hóa đầu tư – bởi vì không phải tất cả các tài sản mà Bạn đầu tư đều mang lại hiệu quả tốt nhất tại một thời điểm hoặc trước một sự kiện kinh tế, tài chính nào đó.
- Đầu tư thông qua Quỹ mở Bạn được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa nêu trên. Quỹ mở là một hình thức đầu tư đơn giản, phù hợp với khả năng của nhiều người. Đầu tư vào Quỹ mở không cần có nhiều vốn lớn nhưng thanh khoản kém như bất động sản hay nhiều rủi ro và biến động như vàng; khả năng mang lại lợi nhuận cũng cao hơn so với lãi suất cố định từ tiền gửi ngân hàng, đồng thời gián tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng và tìm kiếm lợi nhuận, cho dù có thể Bạn chưa có kinh nghiệm, hạn chế về thời gian và thông tin thị trường.
VinaWealth có những Quỹ mở nào? Tôi nên đầu tư vào Quỹ nào là tốt nhất?
- VinaWealth tự hào là một trong những công ty quản lý quỹ tiên phong trong lĩnh vực Quỹ mở. Hiện tại, VinaWealth đã có hai quỹ: Quỹ Trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) hoạt động với tiêu chí an toàn và lợi nhuận ổn định, mục tiêu đạt cao hơn lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng của ngân hàng và Quỹ Cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) với tiêu chí nắm bắt cơ hội tăng trưởng tài sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trên nền tảng danh mục các cổ phiếu tốt nhằm duy trì lợi nhuận và tài sản của Quỹ ở mức nhất định; nếu kết hợp hiệu quả 2 tiêu chí trên, VEOF kỳ vọng mang lại kết quả tăng trưởng cao hơn bình quân thị trường chứng khoán Việt Nam (VN30).
- Quỹ nào cũng có những ưu điểm của nó. Mỗi người nên chọn đầu tư vào một Quỹ hoặc phân bổ tiền đầu tư của mình vào cả hai Quỹ một cách phù hợp nhất với mình. Các yếu tố giúp Bạn có thể lựa chọn đầu tư vào Quỹ nào là phù hợp nhất bao gồm:
- (1) tiêu chí đầu tư của Bạn là gì lợi nhuận cao hay rủi ro thấp, an toàn vốn. Bạn cần lưu ý rằng: rủi ro và lợi nhuận (kỳ vọng) luôn song hành và tỷ lệ thuận với nhau. Ví dụ, nếu Bạn mong muốn lợi nhuận đầu tư cao hơn và sẵn sàng mạo hiểm một chút, Bạn có thể lựa chọn đầu tư vào VEOF; Tuy nhiên, nếu Bạn không muốn rủi ro mất vốn, VFF là sự lựa chọn đúng đắn.
- (2) “khẩu vị rủi ro” của Bạn. Nói cách khác, khả năng tài chính hiện tại có cho phép Bạn mạo hiểm hơn để kỳ vọng có lợi nhuận cao hơn hoặc là Bạn có sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro (về vốn và lợi nhuận) khi diễn biến thị trường không thuận lợi.
- (3) thời gian đầu tư của Bạn trong bao lâu: nếu thời hạn ngắn, đầu tư vào cổ phiếu có thể gặp rủi ro, nhưng nếu thời hạn dài hơn, Bạn nên mạo hiểm một chút để có cơ hội tăng trưởng tài sản nhanh hơn. Chẳng hạn, nếu thời gian đầu tư của Bạn dưới 1 năm, Bạn nên chọn VFF để đầu tư; trên một năm hoặc dài hơn, Bạn có thể cân nhắc đầu tư vào VEOF.
- Các chuyên viên tư vấn của chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ, cung cấp thông tin và tư vấn để Quý khách có được sự lựa chọn đầu tư phù hợp nhất với mình.
Tôi nên đầu tư vào Quỹ mở của VinaWealth như thế nào và bao nhiêu là hiệu quả nhất?
- Sau khi đã quyết định (dựa trên sự tư vấn của chuyên gia hay nghiên cứu của chính Bạn) đầu tư vào VFF, VEOF hoặc cả hai, Bạn nên xem xét đầu tư dài hạn. Cũng không cần phải có một số tiền lớn ngay lập tức khi tham gia Quỹ mở VinaWealth, mà quan trọng hơn là đầu tư định kỳ, đều đặn và có kỷ luật. Bằng cách đó, Bạn không cần lo lắng nhiều về những biến động có trên thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và chủ động hơn về nguồn tài chính dành cho kế hoạch tiết kiệm và đầu tư của Bạn.
- Đầu tư bao nhiêu không quan trọng bằng cách thức đầu tư. Bao nhiêu là tùy vào mục tiêu tài chính của Bạn là gì và khi nào Bạn cần đạt được nó. Tuy nhiên, hãy bắt đầu đầu tư càng sớm càng tốt, vì Bạn cần lưu ý rằng, theo THỜI GIAN, các chi phí cho cuộc sống không ngừng tăng lên do lạm phát trong khi thu nhập của chúng ta có thể bị bào mòn đi nếu không được cải thiện
- Với các Quỹ của VinaWealth, Bạn có thể đầu tư mỗi lần với số tiền rất nhỏ chỉ 200.000 đồng đối với chương trình VinaSave và 2.000.000 đồng với các chương trình thông thường. Nếu Bạn đang có nhiều tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng, Bạn có thể thử dành ra 20% đến 50% số tiền đó để đầu tư và để kiểm chứng thực tế. Qua thời gian, khi hiểu rõ hơn và hài lòng về kết quả, Bạn có thể đầu tư thêm.
Tôi phải đầu tư vào quỹ VinaWealth trong thời gian bao lâu thì mới có lời và được rút tiền lại?
- Khoản đầu tư vào Quỹ mở không có kỳ hạn giống như các khoản tiền gửi tại ngân hàng. Bạn có thể đầu tư vài tháng hoặc vài năm, và có thể rút tiền ra bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, Bạn nên xem xét đầu tư dài hạn, ít nhất cũng là một năm. Do đặc thù về cấu trúc sản phẩm, phương pháp và triết lý đầu tư, Quỹ mở VinaWealth không phù hợp với cách đầu tư lướt sóng ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá giao dịch chứng chỉ quỹ.
- Tuy vậy, thanh khoản của quỹ không vì thế mà bị giới hạn và Bạn cũng không bị ràng buộc về thời gian nếu thay đổi ý định và muốn rút lại tiền vì lý do nào đó như thay đổi mục tiêu đầu tư hoặc nhu cầu tài chính khẩn cấp. Nói cách khác, bất kỳ khi nàoBạn cũng có thể yêu cầu Quỹ mua lại chứng chỉ quỹ VinaWealth mà Bạn đang sở hữu để rút tiền lại và tiền sẽ được gửi vào tài khoản của bạn trong vòng một tuần. Trong năm đầu, khi rút tiền ra, bạn sẽ phải trả một chi phí trên khoản tiền rút ra. Nếu đã đầu tư trên một năm, Bạn không phải trả phí cho giao dịch này.
Đầu tư vào Quỹ mở của VinaWealth có rủi ro gì không? Nếu quỹ bị thua lỗ VinaWealth có đền bù cho nhà đầu tư chúng tôi không?
- Bạn cần lưu ý rằng: tất cả các hình thức đầu tư đều hàm chứa rủi ro ở một mức độ nhất định và không chỉ giới hạn ở mức độ thua lỗ vốn đầu tư. Đơn cử một vài ví dụ ở Việt Nam. Mua vàng là một hình thức cất giữ tài sản khá phổ biến trong công chúng và gần đây là đầu tư kiếm chênh lệch giá khá phổ biến trong giới đầu cơ. Khi Nhà nước vào cuộc kiểm soát thị trường này để hạn chế tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế, vàng trở nên kém thanh khoản và quá rủi ro, thua lỗ.
- Bất động sản, sau một thời gian bùng nổ song hành với thị trường chứng khoán, đã tất yếu phải điều chỉnh. Nhưng rõ ràng, để đầu tư vào bất động sản Bạn cần có vốn lớn, rủi ro lỗ vốn và khả năng không thể bán để lấy lại tiền (thanh khoản) là rất cao nếu thiếu thông tin và kinh nghiệm.
- Có thể Bạn nghĩ rằng gửi tiền vào ngân hàng là chắc ăn nhất, không hề có rủi ro! Nhưng hãy suy nghĩ xem: lãi suất ngân hàng thường là thấp nhất trong các hình thức đầu tư, cố định dựa trên kỳ hạn gửi tiền, và nếu bù trừ lạm phát lãi suất thực còn rất thấp có khi âm. Vậy bạn sẽ làm gì nếu lạm phát cao hoặc nếu Bạn cần tiền muốn rút tiền trước hạn? Thực tế thì một ngân hàng thương mại cũng có thể phá sản.
- Có thể Bạn cũng từng nghe nói đến trái phiếu Chính phủ “phi rủi ro”, nhưng không có điều kiện để tham gia. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau thời gian tăng trưởng “bong bóng” đã trở lại ổn định hơn, là kênh huy động vốn dài dạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Xét trên khía cạnh đầu tư, có thể nói, thị trường chứng khoán (TTCK) đang là kênh đầu tư mang lại hiệu quả tương đối cao và ôn định nhất hiện nay. Tuy nhiên, là phong vũ biểu phản ánh biến động của nền kinh tế, nên TTCK có lúc thăng trầm lên xuống là điều tất yếu.
- Quỹ mở của VinaWealth đầu tư chủ yếu vào một danh mục chọn lọc bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, công cụ thị trường tiền tệ, tiền gửi ngân hàng và các tài sản đầu tư được phép khác, theo tỷ lệ phân bổ khác nhau tùy thuộc vào từng loại quỹ. Do đó, quỹ cũng hàm chứa rủi ro nhất định và có mức độ khác nhau. Điều quan trọng nhất là quỹ được quản lý chuyên nghiệp bởi đội ngũ chuyên gia có đủ chuyên môn và nguồn lực để quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, chính sự đa dạng hóa trong danh mục đầu tư của quỹ, được xây dựng một cách tối ưu và khoa học, là cơ sở để có thể hạn chế rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận tốt nhất.
- Trong thực tế, hoạt động của VinaWealth và các quỹ do VinaWealth lập và quản lý đề hoạt động trong khuôn khổ pháp lý nghiêm ngặt và tuân thủ các tiêu chuẩn, chính sách về đầu tư và quản trị rủi ro quy định rõ trong các Điều lệ hoạt động. VinaWealth luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định này và ý thức rằng, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cũng là bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nếu VinaWealth bị phát hiện đã cố ý hành động thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho Nhà đầu tư thì sẽ bị truy cứu bồi thường.
- Khi đầu tư vào quỹ mở, nhà đầu tư được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư của quỹ thể hiện qua sự tăng trưởng giá trị tài sản ròng của quỹ. Nói cách khác, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận những biến động và rủi ro thua lỗ của quỹ tại từng thời điểm thuần túy do biến động trên thị trường. VinaWealth không phải bồi thường trong những trường hợp đó, mà không phải do lỗi cố ý làm trái gây ra.
Tỷ suất lợi nhuận mà tôi có thể kỳ vọng khi đầu tư vào các Quỹ mở của VinaWealth là bao nhiêu? Mức (lợi nhuận) mà VinaWealth có thể cam kết với nhà đầu tư?
- Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của từng quỹ là khác nhau tùy vào mục tiêu đầu tư của quỹ. Quỹ trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF), với mục tiêu an toàn vốn và lợi nhuận ổn định, Bạn có thể kỳ vọng quỹ VFF có thể mang lại mức lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng bình quân kỳ hạn 12 tháng; Quỹ Cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) hướng đến cơ hội đầu tư tăng trưởng trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, Quỹ VEOF kỳ vọng mang lại cho nhà đầu tư mức tăng trưởng tài sản ròng (NAV) cao hơn mức tăng trưởng bình quân của TTCK Việt Nam mà chỉ số VN30 được lấy làm đại diện.
- Theo quy định hiện hành, Công ty quản lý quỹ không được đưa ra mức cam kết về lợi nhuận đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, có nhiều cách để nhà đầu tư có thể đánh giá về mức độ chắc chắn, đáng tin cậy của mức độ lợi nhuận kỳ vọng mà công ty quản lý quỹ đã đưa ra như uy tín thương hiệu, thành tích hoạt động của công ty trong quá khứ, kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ điều hành quỹ, đặc biệt là co sở để đưa ra chiến lược đầu tư của quỹ được mô tả trong Bản cáo Bạch khi giới thiệu Quỹ với nhà đầu tư.
Khi đầu tư vào Quỹ mở của VinaWealth, tôi phải trả các loại phí, chi phí gì? Lợi nhuận đầu tư có phải đóng thuế không, bao nhiêu?
- Phí liên quan đến đầu tư vào quỹ mở có thể nhóm thành 2 loại như sau: (1) nhóm Phí giao dịch (nghĩa là chỉ phát sinh khi có giao dịch mua, bán hay chuyển đổi chứng chỉ quỹ mà thôi) tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị giao dịch (ví dụ 0,75%) và được khấu trừ trước khi phân bổ tiền mua chứng chỉ quỹ hay trả tiền bán CCQ vào tài khoản nhà đầu tư; (2) nhóm Phí quản lý và vận hành hoạt động của quỹ: đây là loại phí thường niên, tính trên phần trăm giá trị tài sản ròng (NAV) và được khấu trừ vào NAV của quỹ theo định kỳ định giá (hiện nay là hàng tuần) bao gồm phí quản lý quỹ (trả cho công ty quản lý quỹ – phí này khác nhau tùy vào từng loại quỹ), các phí trả cho ngân hàng cung cấp dịch vụ (VinaWealth đang sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam) như phí dịch vụ Lưu ký, Giám sát và Quản trị quỹ, phí dịch vụ Đại lý chuyển nhượng. Tổng chi phí nhóm (2) này không quá 2% NAV một năm.
- Thông tin về phí và chi phí của quỹ, Quý nhà đầu tư vui lòng tham khảo chi tiết tại Bản Cáo Bạch và Điều lệ Quỹ. Cấu trúc phí có thể thay đổi. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần được sự phê duyệt và Bản cáo bạch sửa đổi sẽ được đăng ký lại với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi Biểu phí mới có hiệu lực áp dụng.
- Liên quan đến thuế, đối với nhà đầu tư cá nhân khi bán chứng chỉ quỹ, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm khấu trừ thuế giao dịch chứng khoán (sales tax) là 0,1% giá trị giao dịch. Đối với nhà đầu tư tổ chức thì không phải khấu trừ loại thuế này vì thu nhập đầu tư tài chính được hạch toán vào tổng thu nhập kinh doanh của doanh nghiệp và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi tôi cần tiền muốn bán lại chứng chỉ quỹ có dễ dàng không? Thủ tục như thế nào? Mất bao nhiêu thời gian? có bị chiết khấu giá gì không?
- Với quỹ mở, Quỹ có trách nhiệm mua lại CCQ theo yêu cầu của nhà đầu tư. Vì vậy, khi cần tiền, nhà đầu tư có thể bán lại CCQ cho quỹ rất dễ dàng, theo giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ công bố tại kỳ giao dịch đó mà không bị chiết khấu (chênh lệch giá bán/NAV cao như trường hợp quỹ Đóng niên yết, giao dịch theo giá thị trường).
- Các quỹ của VinaWealth hiện tại đang giao dịch hàng tuần vào ngày thứ Ba (ngày T). Nhà đầu tư chỉ cần chuyển lệnh giao dịch (lệnh bán) cho Đại lý phân phối phục vụ trước 10:30 sáng ngày thứ Hai (thời điểm đóng sổ lệnh, ngày T-1) để thực hiện. theo quy trình hiện hành, tiền bán CCQ sẽ về đến tài khoản của nhà đầu tư vào ngày T+5.
Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư thông qua Quỹ mở nên rất băn khoăn: quyền lợi của nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ như thế nào? Tôi có thể dựa vào đâu để cảm thấy an tâm hơn?
- Quỹ mở là quỹ đầu tư đại chúng nên các quy định pháp luật liên quan đến việc thành lập và hoạt động quỹ Mở khá đầy đủ và chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
- Theo đó, trước khi quỹ hình thành, công ty quản lý quỹ lập hồ sơ (bao gồm Bản cáo bạch, dự thảo Điều lệ quỹ và các tài liệu quan trọng khác) nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để xin cấp Giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng (IPO). Nếu IPO thành công, quỹ được thị trường đón nhận, công ty quản lý quỹ nộp hồ sơ báo cáo UBCKNN để xin Giấy chứng nhận Đăng ký thành lập quỹ. Trong quá trình hoạt động, quỹ chịu sự quản lý giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chuyên môn độc lập như UBCKNN, Ngân hàng lưu ký giám sát, Đại hội Nhà đầu tư Thường niên, Ban Đại diện Quỹ, công ty kiểm toán. Việc đầu tư được công ty quản lý quỹ thực hiện theo chính sách nghiêm ngặt và có kỷ luật đã được xác định trong tài liệu Quỹ, có sự giám sát của Hội đồng đầu tư.
Tôi nên làm gì trước khi đầu tư và thủ tục để đầu tư vào Quỹ Mở của VinaWealth như thế nào?
- Trước khi đầu tư, Bạn cần hiểu rõ mục tiêu của mình là gì (an toàn vốn, lợi nhuận ổn định hay tăng trưởng tài sản nhanh…), khi nào Bạn cần đạt được mục tiêu (ví dụ, dài hạn hơn Bạn có thể chọn quỹ VEOF để có cơ hội tăng tài sản nhanh hơn) và mức độ sẵn sàng chấp nhận nếu có biến động hay rủi ro thua lỗ xảy ra. Bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết về Quỹ trong tài liệu Quỹ được công bố rộng rãi cho nhà đầu tư hoặc nhờ sự tư vấn của chuyên viên tư vấn của VinaWealth hoặc tại các Đại lý Phân phối là đối tác của VinaWealth.
- Thủ tục đầu tư vào quỹ mở của VinaWealth rất đơn giản. Trước hết, bạn cần đến Đại lý phân phối ủy quyền của VinaWealth hoặc trực tiếp VinaWealth để làm thủ tục mở tài khoản giao dịch CCQ mở (nó giống như một tài khoản ngân hàng, để ghi nhận số lượng CCQ mà bạn sở hữu theo thời gian). Khi đã có tài khoản này, Bạn có thể đặt lệnh giao dịch CCQ (mua, bán, chuyển đổi) bằng cách chuyển yêu cầu cho ĐL phân phối để thực hiện. Để mua CCQ, bạn cần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của Bạn vào tài khoản của Quỹ tại ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Sau khi Quỹ đã nhận tiền của Bạn, VinaWealth sẽ xuất và gửi bảng sao kê cho Bạn để xác nhận khoản đầu tư.
Làm sao để biết được các Quỹ của VinaWealth mà tôi đã đầu tư vào đang hoạt động như thế nào? Tôi có được nhận thông tin và báo cáo hoạt động của Quỹ không?
- Giá trị tài sản ròng (NAV) trên một CCQ là một tiêu chí đơn giản nhất để đánh giá kết quả đầu tư của quỹ. NAV được công bố công khai rộng rãi hàng tuần trên trang thông tin điện tử (Website) của VinaWealth, cổng công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)và/hoặc Website của các đối tác phân phối của VinaWealth. Ngoài ra, các Báo cáo hoạt động của quỹ định kỳ hàng Tháng, Quý, Năm/báo cáo Thường niên, cũng được gửi báo cáo UBCKNN theo đúng quy định.
- VinaWealth cũng đã và đang xây dựng và hoàn thiện kênh thông tin truyền thông để có thể giao tiếp hiệu quả hơn với nhà đầu tư. Qua đó, các thông tin báo cáo về kết quả đầu tư và hoạt động của quỹ sẽ được truyền đạt một cách dễ hiểu, phong phú hơn về nội dung và đa dạng về hình thức thể hiện.
- Hàng năm, Quỹ sẽ tổ chức Đại hội Nhà đầu tư thường niên là cơ quan quyền lực cao nhất, là nơi mà các nhà đầu tư của quỹ có thể nghe công ty quản lý quỹ VinaWealth trình bày báo cáo hoạt động, nhận định thị trường và chiến lược trong thời gian tới. Quan trọng hơn, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình bằng cách bầu phiếu để thông qua các vấn đề quan trọng giải trình tại Đại hội.
Để tiết kiệm tiền cho các mục tiêu tài chính cá nhân, tôi có thể lựa chọn gửi tiền ngân hàng hoặc mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Quỹ đầu tư của VinaWealth có gì khác biệt hay có những ưu nhược điểm gì so với so với 2 sản phẩm trên?
- Tất cả đều là sản phẩm tài chính cá nhân giúp Bạn có thể tiết kiệm tích lũy tiền cho nhu cầu tài chính cá nhân trong tương lai. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm đóng một vai trò khác nhau trong tổng thể kế hoạch tài chính cá nhân của Bạn và gia đình. Vì vậy, không thể nói đơn thuần sản phẩm nào tốt hơn, ưu việt hơn sản phẩm nào và trong chừng mực nào đó, chúng bổ sung cho nhau và Bạn nên có tất cả các sản phẩm trên.
- Nếu mục tiêu của Bạn là tiết kiệm, đầu tư để tăng trưởng tài sản trong trung hay dài hạn (ít nhất là với tốc độ tăng cao hơn lạm phát), Quỹ Mở là lựa chọn đúng đắn. Bạn nên có một khoản tiền gửi trong ngân hàng tương tương 6 tháng chi phí, để dự phòng những trường hợp cần chi tiêu khẩn cấp; hoặc tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn (dưới 1 năm) hoặc khoản tiền tạm thời nhàn rỗi chờ đầu tư, cũng có thể gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Bạn nên nhớ rằng, lãi suất ngân hàng là cố định và thường không cao hơn (thậm chí thấp hơn) lạm phát, tùy thuộc vào kỳ hạn gửi tiền (nếu rút trước sẽ bị phạt lãi suất).
- BHNT là sản phẩm bảo vệ Bạn và những người phụ thuộc trong gia đình Bạn (về mặt tài chính) nếu không may có rủi ro tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn xảy ra đối người được bảo hiểm. Vậy nên, BHNT không thể mang lại cho Bạn mức lãi/lợi nhuận đầu tư và thanh khoản như Quỹ mở hoặc tiền gửi ngân hàng; ngược lại Quỹ mở và tiền gửi ngân hàng không có yếu tố bảo hiểm nếu có rủi ro nhân thọ, thương tật xảy ra!
Tôi thích tự mình đầu tư trên thị trường chứng khoán hơn. Hãy cho tôi lý do vì sao tôi nên đầu tư gián tiếp thông qua quỹ đầu tư của VinaWealth và phải trả phí quản lý và dịch vụ?
- Vậy là Bạn đã có được nhiều kinh nghiệm quý báu từ khi tham gia thị trường. Theo chúng tôi, để có thể đầu tư thành công, cần có đủ thông tin (về thị trường, về cổ phiếu/doanh nghiệp mục tiêu), có thời gian và nguồn lực chuyên môn để thực hiện chiến lược, nắm bắt cơ hội đầu tư và quản trị rủi ro. Vậy, bất cứ khi nào Bạn thấy mình không còn hội đủ hay thiếu đi một trong các yếu tố thành công nêu trên, Bạn có thể cân nhắc đầu tư thông qua Quỹ mở. Chẳng hạn, công việc của Bạn hiện tại đang tiến triển tốt hơn khiến Bạn không còn nhiều thời gian dành cho việc theo dõi thông tin thị trường, quản lý danh mục đầu tư…có thể là lúc Bạn cần dịch vụ của công ty quản lý quỹ hoặc đầu tư thông qua quỹ của VinaWealth. Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển, hàng hóa nhiều hơn, có những lúc biến động mạnh, cơ hội nhiều và thách thức cũng không nhỏ, với nguồn lực giới hạn, làm thế nào để duy trì thành công và quản trị được rủi ro? Có thể Bạn nghĩ đến phân bổ một phần danh mục của mình vào Quỹ Mở của VinaWealth, để không còn bị áp lực và dành thời gian cho công việc chuyên môn mà mình làm tốt nhất, tạo ra giá trị và tiền bạc nhiều hơn!
- Hai lợi ích quan trọng nhất cho Nhà đầu tư khi đầu tư thông qua Quỹ mở là danh mục đầu tư đa dạng hóa và quản lý đầu tư chuyên nghiệp, nhằm hạn chế rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận. Nói cách khác, đầu tư thông qua quỹ ít rủi ro (thua lỗ) hơn và lợi nhuận ổn định chắc chắn hơn. Ngược lại, nếu tự mình lựa chọn từng cổ phiếu đơn lẻ để đầu tư theo xu hướng thị trường, Bạn có thể “thắng” lớn nhưng cũng có lúc “thua” đậm và Bạn phải tự nhận lấy kết quả ấy. Bạn có thể đang sở hữu hàng chục mã chứng khoán khác nhau, nhưng tập hợp lại, đó có thể không phải là danh mục đầu tư đa dạng hóa tối ưu… Nếu nghĩ đến quản trị rủi ro và lợi nhuận ổn định, Bạn nên cân nhắc đầu tư một phần tài sản vào Quỹ mở của VinaWealth.
- Phải trả phí ư? Chúng tôi tin rằng, Bạn sẵn sàng trả phí nếu giá trị dịch vụ Bạn nhận lại là tương ứng và chất lượng.
VinaWealth có kinh nghiệm gì trong việc thành lập và quản lý Quỹ (đầu tư) Mở?
VinaWealth là một trong những Công ty quản lý quỹ tiên phong trong ngành và đưa ra thị trường Quỹ mở đầu tiên ở Việt Nam (VFF) hồi cuối năm 2012. VinaWealth là pháp nhân hoạt động độc lập nhưng nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ đội ngũ chuyên viên đầu tư giàu kinh nghiệm và chuyên môn của VinaCapital. Đội ngũ này có trên 10 năm kinh nghiệm quản lý đầu tư tại thị trường Việt Nam với tổng tài sản quản lý trị giá trên 1,5 tỉ USD (tính đến tháng 06/2014)
VinaWealth làm gì trước khi ra quyết định đầu tư?
- Chúng tôi phải trả lời rất nhiều câu hỏi trước khi đi đến một quyết định đầu tư. Chúng tôi xây dựng một quy trình hướng dẫn đầu tư từ giai đoạn hình thành ý tưởng, phân bổ ngành, lựa chọn công ty, phân tích số liệu chỉ tiêu tài chính, gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp, Hội đồng đầu tư phản biện và phê duyệt, triển khai thực hiện đầu tư và giám sát quản trị rủi ro.
- Là tổ chức chuyên nghiệp, chúng tôi không bị tác động bởi yếu tố tâm lý đám đông hoặc tin đồn. Quyết định của chúng tôi được đưa ra trên cơ sở thông tin và đánh giá đáng tin cậy.
- Chúng tôi cũng nhấn mạnh đến việc theo dõi, giám sát sau đầu tư để có hành động thích hợp và điều chỉnh danh mục, chiến lược đầu tư khi cần thiết.
Theo suy nghĩ của tôi, đầu tư thì quá rủi ro. Tôi có thể bị mất hết tiền không?
- Trong cuộc sống, mọi thứ đều có hai mặt lợi ích và những nguy hiểm khi sử dụng nó, ví dụ như điện, nước, giao thông, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể sống mà thiếu chúng. Cũng vậy, tất cả các khoản đầu tư (kể cả Bạn mua vàng cất giữ ở nhà hoặc gửi tiền trong ngân hàng) đều chứa đựng rủi ro ở mức độ nhất định. Quan trọng nhất là Bạn nhận thức được rủi ro đó là gì, mức độ ra sao và có cách nào để giảm thiểu rủi ro không? Nói cách khác, hiểu rõ về “sản phẩm” mà Bạn đầu tư vào. Một vấn đề có tính quy luật trong đầu tư là rủi ro càng cao thì kỳ vọng lợi nhuận càng cao và ngược lại.
- Trong một số trường hợp, Bạn có thể mất hết tiền đầu tư. Ví dụ, khi Bạn mua bán đất có tranh chấp bằng giấy tay hoặc mua cổ phiếu của một công ty niêm yết và công ty này phá sản không lâu sau đó mà Bạn không biết vì không theo dõi.
- Việc đầu tư thông qua quỹ Mở của VinaWealth, khả năng Bạn bị mất hết tiền là rất thấp và khó có thể xảy ra vì các lý do sau:
- Quỹ đầu tư vào một danh mục gồm nhiều loại tài sản và nhiều loại chứng khoán, được đa dạng hóa một cách linh hoạt và khoa học nhằm phân tán rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận chung của quỹ. Khi thị trường chứng khoán (TTCK) biến động, tài sản của quỹ sẽ được trú ẩn trong các tài sản khác (như trái phiếu, tiền gửi ngân hàng), khi lãi suất ngân hàng thấp, TTCK thuận lợi, quỹ sẽ giải ngân trên TTCK để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, hoặc cổ phiếu ngành ngân hàng có thể mất giá thời điểm này nhưng cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng lại cho lợi nhuận tốt và ổn định;
- Quỹ được quản lý chuyên nghiệp bởi đội ngũ chuyên viên làm việc toàn thời gian, có kinh nghiệm thị trường và chuyên ngành.
- Theo dõi diễn biến thị trường và quản trị rủi ro là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng.
Tại sao tôi phải trả phí khi đầu tư thông qua Quỹ Mở, trong khi tôi chẳng phải trả đồng phí nào khi gửi tiền vào ngân hàng?
- Quỹ mở là một sản phẩm đầu tư tài chính mà để thành lập và vận hành nó một cách hiệu quả, đúng theo quy định pháp luật hiện hành nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thì cần có nhiều bên tham gia cung cấp dịch vụ, giữ vai trò khác nhau. Vậy, đầu tư thông qua Quỹ Mở, Bạn trả phí tương ứng cho các dịch vụ mà Bạn nhận được.
- Công ty quản lý quỹ VinaWealth chịu trách nhiệm huy động vốn, thành lập quỹ và quản lý đầu tư tăng trưởng tài sản và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. VinaWealth được nhận phí quản lý quỹ (ví dụ: 1% một năm trên giá trị tài sản ròng của quỹ đối với quỹ VFF và 1,75% đối với quỹ VEOF); Ngân hàng Standard Chartered đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ Đại lý chuyển nhượng, ngân hàng Lưu ký (tài sản) của quỹ, ngân hàng Giám sát (hoạt động) của quỹ, dịch vụ Quản trị quỹ (định giá tài sản, kế toán), quỹ cũng được phép thu phí để trang trải cho dịch vụ này.
- Phí cũng là giá cả dịch vụ. Vì vậy, khi xây dựng cấu trúc phí này, VinaWealth luôn tính đến mức độ hợp lý trong điều kiện thị trường Việt Nam (bao nhiêu?) tương ứng với chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện để nhiều nhà đầu tư có thể tham gia. VinaWealth cũng tuân thủ các hướng dẫn và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Nếu VinaWealth phá sản, tiền của tôi đầu tư vào quỹ sẽ như thế nào?
- Các quỹ mở do VinaWealth lập và quản lý được quản lý độc lập với nhau và tách bạch với tài sản của VinaWealth. Nói cách khác, tài sản của quỹ không phải là tài sản của VinaWealth, nên không phải chịu và/hoặc dùng tài sản của quỹ để bù đắp thua lỗ hay trả nợ (nếu có) của VinaWealth. VinaWealth chỉ là công ty quản lý đầu tư tài sản của quỹ để sinh lời và được nhận thù lao (phí quản lý) trên tài sản mà công ty quản lý. Toàn bộ giá trị tài sản ròng của quỹ, bao gồm lợi nhuận đầu tư, sau khi trừ các chi phí hoạt động, sẽ được chia lại và là tài sản của nhà đầu tư.
- Tài sản của quỹ được lưu ký tại Ngân hàng lưu ký theo quy định. VinaWealth đang sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam – một trong những ngân hàng quốc tế uy tín hàng đầu đang hoạt động lâu năm tại Việt Nam. Standard Chartered cũng là Ngân hàng Giám sát hoạt động của quỹ của VinaWealth.
- Vậy, nếu VinaWealth phá sản, tài sản của quỹ cũng là tài sản của nhà đầu tư vẫn còn đó và không có liên quan đến lỗ lãi của VinaWealth. Tiếp theo, nếu quỹ tiếp tục duy trì hoạt động, Đại hội nhà đầu tư sẽ bỏ phiếu quyết định Công ty quản lý quỹ khác thay thế hoặc giải thể quỹ, thanh lý tài sản trả lại tiền cho nhà đầu tư trên cơ sở tỷ lệ sở hữu chứng chỉ quỹ mà họ đang nắm giữ.